Giải mã bí ẩn khoa học dưới lòng Biển Hồ Gia Lai

Hồ tự nhiên Biển Hồ hình thành trên các miệng núi lửa cổ ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nhiều bạn trẻ ngày nay vẫn tin lời đồn bí ẩn hồ sâu không đáy. Biển Hồ có lẽ trở nên nổi tiếng ở Việt Nam nhờ một chàng trai gốc Hà Nội – nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng ca khúc “Đôi mắt Pleiku”, với ca từ đi vào lòng người nhiều thế hệ “Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Nhóm nghiên cứu tại Khoa Địa chất đã giải mã độ sâu thật sự của Biển Hồ và các thông tin ẩn dấu trong các lớp bùn (trầm tích) dày hàng chục mét dần lộ diện, khiến Biển Hồ dần trở nên nổi tiếng thế giới. Nghiên cứu nhận được tài trợ của Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia (NAFOSTED) và Chương trình học giả Fulbright – Chính phủ Hoa Kỳ.

Nghiên cứu Biển Hồ do ­TS. Nguyễn Văn Hướng – Khoa Địa chất dẫn đầu, được thực hiện từ năm 2016, Quỹ NAFOSTED tài trợ từ năm 2019, với sự hợp tác nghiên cứu của nhiều đơn vị trong và ngoài nước. Nhóm tiếp cận Biển Hồ theo hướng nghiên cứu đa ngành, bao gồm đánh giá chất lượng và tài nguyên nước, giám sát môi trường nước, nghiên cứu thay đổi hệ sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khôi phục lịch sử môi trường-khí hậu trong quá khứ ở khu vực Tây Nguyên.

Nghiên cứu Biển Hồ vài năm qua đã góp phần vào việc đào tạo ở bậc đại học và sau đại học tại Khoa Địa chất, thu hút ngày càng nhiều các bạn sinh viên tham gia. Hầu hết sinh viên tham gia đã có những trải nghiệm khó quên với các thầy cô trong nhóm nghiên cứu, qua đó học hỏi kỹ năng triển khai tổ chức nghiên cứu, trau dồi đam mê khoa học và đặc biệt là tinh thần không lùi bước trước khó khăn để vượt qua giới hạn của trang thiết bị khoa học và của bản thân. Tháng 4 năm 2021, nhóm đã đạt được dấu mốc quan trọng với thành công trong việc lấy mẫu trầm tích nguyên dạng – liên tục đến độ sâu 25 mét dưới mặt bùn ở Biển Hồ.

Tại Biển Hồ với độ sâu mực nước 20 mét, nhóm đã thành công trong việc khoan lấy mẫu trầm tích nguyên dạng đến độ sâu 25 mét dưới mặt bùn. Kết quả định tuổi trầm tích trong lõi khoan ở độ sâu 25 mét bằng phương pháp phóng xạ carbon 14 và cổ từ cho tuổi 57 ngàn năm (https://eosvnu.net/projects/paleoclimate/)

Các đợt lấy mẫu trước đây, phân tích trong phòng thí nghiệm được thực hiện chủ yếu tại Việt Nam. Năm 2021, TS. Nguyễn Văn Hướng là một trong bảy nhà khoa học Việt Nam được được lựa chọn (trong tổng số gần 50 ứng viên) tham gia Chương trình Học giả Fulbright tại Hoa Kỳ. Từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2021, Học giả Fulbright Nguyễn Văn Hướng đã bắt tay thực hiện các phân tích các trầm tích Biển Hồ mới thu thập được tại Đại học Indiana và Đại học Minnesota. Kết quả phân tích tuổi trầm tích bằng đồng vị phóng xạ carbon và bằng phương pháp cổ từ cho tuổi 57 ngàn năm ở đáy lõi trầm tích sâu 25 mét. Các kết quả về niên đại trầm tích, cổ từ, phân tích địa hóa, khoáng vật, đồng vị bền, vi cổ sinh, biomarker,… luận giải cổ khí hậu sẽ được công bố trong thời gian tới. Biển Hồ vẫn bí ẩn, không phải vì lời đồn ‘hồ không đáy” mà vì trầm tích dưới đáy chứa nhiều thông tin ghi nhận liên tục về cổ môi trường và cổ khí hậu ở Đông Nam Á cần giải mã.

Nhiều đồng nghiệp đặt câu hỏi nhóm sẽ có thể khoan sâu đến đâu trong tương lai? Có lẽ không thể trả lời chính xác 50 mét, 100 mét hay tới tận đá cứng. Tại Khoa Địa chất, Trường ĐH KHTN, môi trường làm việc – học tập vô cùng tự do và thúc đẩy sáng tạo. Với đam mê khoa học không ngừng của các thành viên và sự hỗ trợ nhiệt thành của các bạn sinh viên, nghiên cứu Biển Hồ có thể sẽ phát triển hơn nữa trong hàng chục năm tiếp theo. Trầm tích Biển Hồ có thể coi như một “mỏ vàng” thông tin và nhóm nghiên cứu đang nắm giữ chìa khóa để khai thác “mỏ vàng” ấy.

Chi tiết xem thêm tại: https://eosvnu.net/projects/paleoclimate/

Từ năm 2016, hơn một chục lượt sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh các ngành Địa chất học, Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Công nghệ Quan trắc và Giám sát TN và MT đã tham gia thực địa tại Biển Hồ, có điều kiện thu thập mẫu, dữ liệu làm báo cáo khoa học và hoàn thành luận văn, luận án. Hình ảnh hai bạn SV K63 Lê Nguyệt Anh và Phạm Lê Tuyết Nhung trình bày báo cáo khoa học qua Zoom về kết quả quan trắc liên tục nhiệt độ nước Biển Hồ (tháng 5/2021). Nghiên cứu đầy đủ hơn năm 2022 giành giải nhất Sinh viên NCKH cấp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và giải Ba cấp Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Thành viên, sinh viên và nghiên cứu sinh tham gia nhóm nghiên cứu tại Khoa Địa chất (https://eosvnu.net/). Biển Hồ hiện là trọng tâm nghiên cứu của nhóm, đối tượng nghiên cứu toàn diện, bao gồm môi trường nước, đất, đá, bùn (trầm tích), hệ sinh thái và tài nguyên di sản thiên nhiên hồ núi lửa.